Chẳng có lý do gì Manchester United trải thảm đỏ đón chào Frank Lampard khi mà Chelsea đã tống khứ anh ra đường.
1. Lampard đã gắn bó với Chelsea suốt 12 năm. Dù không xuất thân từ lò đào tạo Chelsea như John Terry, Lampard xứng đáng là công thần của The Blues. Nhưng Chelsea vẫn lạnh lùng gạt bỏ anh.
Vì những quy định của Luật công bằng tài chính, Chelsea buộc phải giảm quỹ lương. Các lão tướng đã trở thành nạn nhân. Họ đều ở giai đoạn cuối của sự nghiệp và đang hưởng lương rất cao. Ông chủ tỷ phú Roman Abramovich của Chelsea không hề vô lý khi thanh lý hàng loạt lão tướng trong vòng 1 năm qua. Vừa giảm được quỹ lương, vừa tạo điều kiện để thực hiện cuộc chuyển giao thế hệ.
Ảnh: Tại sao lại chiêu mộ Lampard (phải) khi Carrick đang thi đấu xuất sắc?
Sự thực, Chelsea sẵn sàng giữ lại Lampard, qua những bản hợp đồng có thời hạn từng năm một, nếu anh đồng ý giảm lương. Hiện Lampard đang hưởng lương 150 nghìn bảng/tuần. Muốn ở lại Stamford Bridge, Lampard phải chấp nhận giảm 1/3 lương, tức xuống còn 100 nghìn bảng/tuần. Lampard dường như không chấp nhận. Anh tin rằng mình có nhiều sự lựa chọn tốt hơn. LA Galaxy của Mỹ hay các CLB giàu có của Trung Quốc có thể mang lại cho anh bản hợp đồng tốt trong những năm ít ỏi còn lại của sự nghiệp cầu thủ.
Tất nhiên, nếu được ở lại Premier League, đá cho một CLB lớn và duy trì được mức lương 150 nghìn bảng/tuần thì càng tốt. Và M.U được nhắc đến như một đích đến lý tưởng cho Lampard.
Nhưng M.U không hề là CLB trả lương cho cầu thủ một cách hào phóng. Họ sẵn sàng trả mức lương 200 nghìn bảng hay 250 nghìn bảng một tuần cho các siêu sao là Wayne Rooney và Robin van Persie. Nhưng phần còn lại của đội bóng không hề được nhận mức lương quá cao. Trước khi ký hợp đồng mới cách đây 18 tháng, Welbeck chỉ nhận mức lương 15 nghìn bảng/tuần. Ngay cả thủ quân Vidic cũng chỉ nhận mức lương 90 nghìn bảng/tuần mà thôi.
Vì lẽ đó, không hề có chuyện M.U sẵn sàng trả lương khủng 150 nghìn bảng/tuần cho Lampard ngay cả khi họ không mất xu nào cho phí chuyển nhượng. Nếu Lampard là một ngôi sao xuất chúng, đang ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp thì còn hiểu được. Nhưng tiền vệ ấy sẽ tròn 35 tuổi vào mùa Hè tới, thời điểm hợp đồng giữa anh với Chelsea hết hạn.
Thực ra, ở mùa 2006-07, M.U từng chiêu mộ một lão tướng là Henrik Larsson ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông. Nhưng thương vụ Larsson chỉ mang tính ngắn hạn, kéo dài hai tháng mà thôi. Trường hợp của Lampard thì khác, nếu ký thì phải ký tầm 2 năm.
2. Sở dĩ M.U được nhắc đến ở thương vụ Lampard là vì Sir Alex nổi tiếng khai thác tốt tài năng và cống hiến của những lão tướng. Ryan Giggs hiện đã 39 tuổi trong khi Paul Scholes đã 38 tuổi.
Nhưng nên nhớ rằng, M.U vẫn trọng dụng, dành chỗ cho Giggs và Scholes vì họ là công thần của đội bóng, có ảnh hưởng lớn ở phòng thay đồ, là tấm gương cho các tài năng trẻ. Họ đã dành trọn suốt sự nghiệp của mình cho M.U và xứng đáng được ghi nhận. Những cầu thủ trẻ sẽ nhìn cách đối xử của CLB để mà còn phấn đấu nỗ lực. Họ hiểu rằng, nếu cống hiến như Scholes và Giggs, họ sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn như cái cách mà Abramovich đã làm ở Stamford Bridge.
Nếu là công thần ở Old Trafford, Lampard có thể kéo dài sự nghiệp của mình đến tận năm 38, 39 tuổi như Scholes, Giggs. Nhưng đằng này, anh từ CLB kình địch tìm đến. Một vấn đề khác: Liệu Lampard có chịu chấp nhận vai trò như Scholes và Giggs hiện tại, có thể dự bị cả chục trận nhưng vẫn thi đấu hết mình khi được tung vào sân trong vòng vỏn vẹn 10, 15 phút? Có lẽ là không. Ở Chelsea, hễ khi nào Lampard dự bị thì nội bộ đội bóng có vấn đề.
3. Xét ở khía cạnh chuyên môn, M.U chẳng cần phải chiêu mộ Lampard. Nếu thực sự thiếu một tiền vệ trung tâm kinh nghiệm, họ đã tìm đến Wesley Sneijder, cầu thủ có giá vỏn vẹn 10 triệu euro.
Ở M.U hiện tại, chơi đúng vị trí của Lampard là Michael Carrick. Mùa này, Carrick chơi cực hay, vừa ổn định vừa hiệu quả. Hỗ trợ cho Carrick còn có những Cleverley hay Anderson - trẻ hơn và sung sức hơn.
Đức Lộc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét