Anh hơi "cà cuống" khi vơ vội thứ trò chơi (máy nén khí)của mình đặt vào giữa tờ báo nhàu nát và lấy dây bọc lại. Hình như chẳng còn gì để nói nữa, anh bẽn lẽn đứng dậy cúi chào bố mẹ tôi. Nhìn ánh mắt anh, tôi biết điều bố nói chưa làm anh tâm phục khẩu phục đâu. Mẹ tôi ngồi trên phản, từ nãy đến giờ không xen vào câu nào, mẹ là giáo viên văn, chẳng liên quan đến vật lý. Anh về rồi, bố quay sang mẹ bảo:
- Trong đời dạy học, anh chưa thấy cậu học trò nào kỳ cục như vậy, phản bác cả sách giáo khoa.
- Có phải cái gì trong sách giáo khoa cũng chuẩn cả đâu - Mẹ tỏ ra không đồng tình với bố. Trong lòng tôi trào lên một cảm giác thương cảm. Giá lúc này không phải khuya khoắt, thể nào tôi cũng ù sang mà ngồi bên anh, ít ra cũng có được lời an ủi cho anh đỡ hụt hẫng.
***
Bẵng đi một thời gian khá dài, tôi không thường xuyên được gặp anh Thang nữa, do ngày đó trường tôi phải sơ tán về một miền quê xa lắc. Một lần từ khu sơ tán về thăm nhà, tôi gặp anh đang dắt xe vào cổng. Mừng quýnh, tôi gọi giật lại. Đầu đội mũ cối có gắn sao vuông, vai đeo khẩu súng trường, bao đạn trễ ngang lưng, nom anh dạo này rõ oách. Anh cười và làm một động tác mà tôi không khoái tí nào là xoa đầu, khen tôi chóng lớn. Anh kể, máy bay Mỹ tăng cường bắn phá miền Bắc, nhà máy dệt len của anh cũng phải tháo dỡ máy công cụ, sơ tán về vùng rừng núi, anh ở lại biên chế trong trung đội trực chiến bắn máy bay. Tôi nhìn vào góc hiên, vắng cái trò chơi trẻ con, liền hỏi:
- Anh dẹp bài toán biên tay quay rồi à?
- Không! - Anh nói - Tạm cất. Hết đánh nhau tiếp tục.
Anh bảo tôi vào nhà. Bà cụ đã đi sơ tán, trong nhà chỗ nào cũng thấy bụi bám mốc meo. Anh đặt trước tôi một ca nước lọc, tỏ ra hào hứng. Tưởng chuyện gì, vẫn không ra ngoài cái chuyện cũ mèm ấy.
- Thông báo thêm với cô - Có lẽ anh thấy tôi lớn phổng thành thiếu nữ nên đổi cách gọi như vậy - Anh đã viết lại toàn bộ cách tính toán mới bài toán biên tay quay gửi lên Ủy ban Khoa học kỹ thuật thành phố. Có hồi âm ngay. Vị giáo sư Chủ tịch Hội trả lời sẽ nhờ chuyên gia tư vấn, phản biện thêm. Ông còn khuyến khích anh nghiên cứu tiếp.
Tôi bỗng lây cái vui của anh, không ngờ "trò chơi trẻ con" lại thành chuyện người lớn nghiêm chỉnh. Song đến lần gặp sau, vẻ mặt anh buồn hiu. Chả là, tháng trước có một tờ báo không biết lấy tin ở đâu, trương lên đầu trang cái tít khá đậm: "Một công nhân dệt len muốn sửa giáo trình cơ học".
Nhiều người tìm đến anh để hỏi cho ra nhẽ, trong đó có cả những giáo viên vật lý như bố tôi. Ủy ban Khoa học kỹ thuật thành phố đã tổ chức cuộc hội thảo xới lên "thắc mắc" của anh. Cứ tưởng thắng đến nơi.
Ai dè trong hội nghị toàn những vị lão làng bằng cấp bề bề, đã thẳng thừng sổ toẹt mọi tính toán của anh. Họ còn bảo, thật phi lý khi một người trình độ lởm khởm chưa hết cấp ba, dám phản bác cả một lý thuyết lâu đời về máy cắt. Nhưng các số liệu thực tế do anh quan sát được thì họ vẫn không thể bẻ bác, ruốt cuộc hội nghị không có kết luận cuối cùng, vấn đề anh nêu bỏ ngỏ.
Sách giáo khoa vẫn đúng. Bố tôi lặng lẽ theo dõi chuyện này, không hoàn toàn bài xích người hàng xóm dễ mến, nhưng ông bảo thời buổi chạy ăn từng bữa, lo tem phiếu, lo bắn máy bay mà cậu ta cứ lơ lửng trên mây trên gió như vậy là điều đáng ngại chứ chẳng đáng khen chút nào. Rồi ông kết một câu xanh rờn trước mẹ và tôi: "Thằng Thang hâm thật rồi!".
Đến khi tôi vào học năm thứ nhất Trường Đại học Bách khoa thì anh Thang lên đường nhập ngũ. Đáng lẽ anh trong diện ưu tiên, nhà con một neo đơn, không phải gọi đi đợt ấy, nhưng anh đã chích máu đầu ngón tay viết đơn tình nguyện (trong chuyện này, bố tôi hết lời ca ngợi tinh thần thanh niên ba sẵn sàng của anh).
Trước khi đi, anh sang chào bố mẹ tôi và thật bất ngờ câu từ biệt khi bắt tay bố tôi là: "Đánh giặc xong nhất định cháu sẽ về giải tiếp bài toán cơ ấy chú ạ!". Tôi tiễn anh sang tận bên kia đường, dừng nói chuyện hồi lâu trước cổng nhà anh.
Hôm đó đúng ngày rằm. Trăng tròn vành vạnh như cái mâm bạc vừa ra khỏi đám mây đen, chợt dát bạc lên mọi cảnh vật trên mặt đất, ấy là thứ ánh sáng trong ngần, tương phản với ngọn đèn đường đỏ đòng đọc thảm hại. Dáng cao cao, anh đứng đối diện và dưới ánh trăng, tôi thấy đôi mắt anh sáng lấp lánh.
Chẳng phải có lần mẹ tôi đã khen: "Thang có đôi mắt thông minh lắm đấy". Tôi đã thành thiếu nữ hồi nào, mà trước anh vẫn nghĩ mình nhỏ bé, chỉ là con bé "chíp hôi". Bỗng bàn tay anh tìm đến bàn tay tôi. Tôi thấy người nóng ran, run bần bật. Tôi cảm nhận được trong giây lát sự ấm áp, phấp phỏng trong đôi bàn tay thô ráp áp chặt vào tay mình của anh.
***
Anh đi B, còn tôi tiếp tục học lên. Lần ấy, từ trường về nhà, tôi gặp bà cụ Thang đang trên đường gánh cháo ra chợ. Bà gầy xọp, mắt thâm quầng có ngấn nước. Bà bảo, anh ở tận Đồng Tháp Mười, thư về thưa lắm, cả năm có nhõn một lá.
Thế rồi bỗng một hôm tôi nhận được lá thư đầu tiên của anh, gửi theo địa chỉ trường tôi đang học. Thư bé bằng bàn tay, có lẽ anh xé vội từ một cuốn sổ, nét chữ thì ngay ngắn, tròn trịa. Anh kể, đang là lính trinh sát tiểu đoàn bộ đội địa phương Quân khu 9. "Gian khổ ác liệt lắm, sống chết không biết thế nào, vì thế không dám nghĩ xa em gái hậu phương ạ" (chữ "nghĩ xa" anh gạch chân). Câu cuối cùng của lá thư ngắn ngủi ấy là: "Chỉ lúc nào cũng thấy nhớ mẹ và em thôi!".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét