Tin hot 24h - Bất ngờ đặt hàng 100 máy bay (đặt mua 92 chiếc và thuê 8 chiếc) với giá trị giao dịch lên đến 9,1 tỉ USD, VietJetAir trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
VietJetAir vừa đón nhận chiếc máy bay A320 Sharklet thế hệ mới - Ảnh: Mai Vọng
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên hôm qua, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành hãng hàng không này, cho biết:
“Trong tuần này, chúng tôi sẽ chuyển số tiền đầu tiên cho đối tác Airbus. VietJetAir đã có sự chuẩn bị cho việc này từ 4 - 5 năm trước, với những kế hoạch ngắn, trung và dài hạn. Mong muốn của VietJetAir là có được một hãng hàng không cho nhiều người dân VN được sử dụng đồng thời trở thành một hãng được yêu thích tại VN và khu vực. Chúng tôi đang hiện thực hóa kế hoạch đó, để trong 10 năm nữa có thể đạt được mục tiêu.
Nhiều người nghĩ chúng tôi ký chơi. Không có chuyện đó trong hoạt động thương mại quốc tế. Những thỏa thuận như thế này, khi đã ký là phải có xem xét, thẩm định kỹ càng và có những cam kết từ 2 phía. Phía Airbus thì cam kết đến ngày đến hạn là phải giao máy bay cho chúng tôi theo đúng kế hoạch và phía VietJetAir thì cam kết trả tiền theo những thỏa thuận thanh toán mà 2 bên đã đồng ý với nhau, rất rõ ràng và rành mạch”.
Điều mà nhiều người quan tâm đó là khoản tiền lên đến 9,1 tỉ USD. VietJetAir có nguồn tiền ở đâu?
Xin nói rõ là thỏa thuận với Airbus là nhận máy bay theo từng quý, từng năm, tiến độ thanh toán rải đều trong 9 năm, chứ không phải cùng một lúc. Về nguồn tài chính, VietJetAir đã chuẩn bị rất kỹ hết tất cả các phương án trước khi đặt bút ký thỏa thuận. Nguồn tài trợ, nhiều chuyên gia vẫn cứ nghĩ là phải đi gõ cửa các ngân hàng để vay tiền, lấy tài sản của công ty ra để đảm bảo cho khoản vay. Không có tài sản nào của VietJetAir có thể đảm bảo để đi vay đến hơn 9 tỉ USD.
Vay từ ngân hàng chỉ chiếm khoảng từ 10 - 20% trong gói tài trợ mua máy bay; còn lại phần lớn là từ nguồn tài trợ tín dụng xuất khẩu của các nước. Muốn xuất khẩu máy bay, chính phủ các nước sản xuất máy bay sẽ tìm đến những hãng như VietJetAir để khảo sát mức tín nhiệm, khả năng sinh lời của dòng tiền như thế nào, để rồi bảo lãnh hoặc cho mình vay tiền để mua máy bay. Ngoài ra, còn có các nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu, hoặc hình thức khác như bán và thuê lại và có thể từ nguồn khác, cũng đang xem xét là từ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng - PV). Các nguồn tài trợ đó bây giờ đã nằm trong kế hoạch tài chính của VietJetAir, chủ yếu sẽ là các nguồn vốn nước ngoài vì chi phí lãi vay thấp hơn ở VN. Thông lệ cho vay mua máy bay đã phổ biến trong giới tài chính quốc tế và nhiệm vụ của chúng tôi là chọn nguồn nào phù hợp nhất, tốt nhất cho mình.
Hiện đã có nhiều cam kết rất mạnh từ nguồn tín dụng xuất khẩu của các nước. Rồi có những cam kết từ các ngân hàng trong nước và ngoài nước, ngoài nước nhiều hơn. Còn có những cam kết từ các nhà tài chính dưới hình thức mua và thuê lại. Nguồn IPO có thể ở giai đoạn sau, trong khoảng từ 18 - 42 tháng nữa và nguồn này gần như nằm trong tầm tay.
Vậy là tin đồn “có đại gia” đứng đằng sau tài trợ cho thương vụ này không chính xác?
Đến giờ này thì chưa có đại gia nào cả, mà từ các nguồn tôi đã nói ở trên.
Kế hoạch tiếp nhận 100 chiếc máy bay này như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi sẽ tiếp nhận trong vòng 8 năm, từ năm 2014 - 2022, trung bình mỗi năm từ 5 -10 chiếc.
Cám ơn ông.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét