Giết bạn gái, cắt ngón tay chân, giết vợ vì nghĩ có âm mưu đầu độc mình hay truy sát cả gia đình...đều là hậu quả của những đối tượng sau khi sử dụng ma túy đá.
Án mạng kinh hoàng trong đêm thứ 6 ngày 13 Vụ việc kinh hoàng được phát hiện sáng 14/12 tại Ngọc Thụy, Long Biên (Hà Nội) mà hung thủ là một MC, ca sĩ trẻ đã khiến nhiều người hoang mang.
Nạn nhân được xác định là chị Đường Thị Hằng, sinh năm 1985, quê ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Trước đó, sáng sớm 14/12, người trông coi khu phòng trọ trên kiểm tra căn phòng cho Nguyễn Hữu Chính (SN 1979, quê Hưng Yên) đã kinh hoàng phát hiện nạn nhân nằm chết trong phòng, trên người chỉ mặc chiếc quần lót, thi thể có nhiều vết chém sâu, ngón tay bị cắt lìa, máu đọng thành từng vũng xung quanh. Còn trong nhà vệ sinh, Chính ngồi thất thần, biểu hiện của người phê ma túy đá.
Những hình ảnh mà nghi can đi làm ca sĩ và MC ở nhiều nơi Vụ việc lập tức được báo CA, nhanh chóng đến hiện trường, CA tạm giữ Nguyễn Hữu Chính, đồng thời tiến hành khám nghiệm, lấy lời khai nhân chứng, mở hồ sơ điều tra nguyên nhân vụ việc.
Tại trụ sở CA, bước đầu Chính khai, khuya hôm trước gã sử dụng ma túy đá, sau đó xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cãi vã với chị H., trong cơn nóng giận đã dùng dao chém chết người tình. Qua sự việc có thể thấy tác hại khủng khiếp của ma túy đá gây ra. Đáng chú ý đây không phải vụ việc đầu tiên xảy ra mà trước đó cũng đã có rất nhiều vụ án đau lòng mà nạn nhân là người thân của các con nghiện. Trước đó, ngày 16/10, Lê Phương Quý (SN 1982, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) trong cơn "ngáo đá" tưởng vợ mình bế con theo người đàn ông khác nên đã lạnh lùng ra tay giết vợ rồi gọi điện thoại thông báo cho người thân… Tại cơ quan điều tra, Quý đã khai nhận mình nghiện ma túy và mỗi lần sử dụng ma túy, Quý cho rằng vợ mình chị Bùi Thị Hồng Lan (SN 1986, tỉnh Hậu Giang) và những người thân đang thực hiện âm mưu đầu độc mình nên đã thường xuyên gây chuyện. Ngày 15/10, cho rằng những người thân sẽ bắt cóc đứa con của mình đi, Quý đã nằm lì ở nhà ôm con và sử dụng ma túy. Đến 24h, sau khi trở về, thấy chồng có biểu hiện không bình thường, chị Lan đã bóp đầu, chăm sóc cho hắn. Thế nhưng, Quý lại nghĩ vợ có âm mưu để sát hại mình. Khi thấy chị Lan thu dọn quần áo, Quý nghĩ rằng vợ đang dọn đồ, bế con bỏ đi với người đàn ông khác nên Quý đã đứng từ phía sau, dùng hai tay bóp cổ vợ mình.
Thấy chị Lan kêu la, sợ mọi người biết và sẽ xông vào tiêm thuốc độc để sát hại mình nên trong cơn cuồng điên, Quý đã dùng dây điện của máy sấy tóc siết cổ mạnh khiến cho chị Lan tử vong.
Đối tượng Lê Phương Quý tại cơ quan công an Sau khi gây án, Quý ngồi canh xác vợ và gọi điện đi một số nơi thông báo mình đã xuống tay sát hại vợ. Nhưng, do Quý từng bị ảo giác và từng công bố thông tin này với nhiều người nên họ nghĩ Quý tiếp tục báo tin giả.
Chiều 16/10, tại trụ sở cơ quan cảnh sát điều tra, Quý vẫn trong tình trạng bị “ ngáo đá ” và khi biết vợ mình đã tử vong, Quý liên tục nói: “Em bị điên rồi!” rồi ngồi khóc. Xa hơn nữa, vào ngày 22/5, tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cũng xảy ra một vụ việc đau lòng do con nghiện “ngáo đá” gây nên. Trần Quang Hải (20 tuổi, trú tại Bột Xuyên, Mỹ Đức) liên tiếp truy sát mọi người trong gia đình, sau đó định tự sát nhưng không thành. Mẹ Hải cho biết, khoảng 21h khi cả nhà đang ngủ say thì đột nhiên Hải bật dậy dùng con dao bầu chuẩn bị trước đâm vào bụng em trai. Nghe tiếng con kêu cứu, ông Sáng lao vào, chẳng nói chẳng rằng Hải tiếp tục vung dao đâm bố. Quá hoảng loạn, hai bố con ông Sáng người ôm bụng, người ôm cổ bỏ chạy ra cổng, do cổng bị khóa nên chạy ngược ra phía sau nhảy qua tường rào sang nhà hàng xóm kêu cứu. Lúc này bà mẹ nằm trong giường cũng vội vã bỏ chạy ra cổng, tuy nhiên vẫn bị Hải đuổi kịp đâm vào lưng…
Hình ảnh trên facebook của nạn nhân khiến nhiều người liên tưởng đến cái chết của cô
Nguyên nhân ban đầu được xác định do Hải chơi ma túy đá, bị ảo tưởng là mình nhiễm AIDS nên chẳng thiết sống nữa. "Ngáo đá" và lời cảnh tỉnh cho dân "đập đá" Trên các trang facebook của bạn bè Nguyễn Hữu Chính, hung thủ vụ giết người dã man, mọi người cũng xác định nguyên nhân của hành động vô nhân tính này là hậu quả của "đập đá" (sử dụng ma túy "đá" gây ảo giác) còn bình thường nghi can khá hiền lành, vui tính. Dòng cảnh báo từ một đồng nghiệp của cả nghi can và nạn nhân
Nhiều người cũng là ca sĩ, diễn viên, bạn của Chính và nạn nhân Hằng đã sốc trước sự việc và quyết liệt cảnh báo những ai đang và đã sử dụng thứ chết người này.
Nói về ma túy "đá" và hiện tượng "ngáo đá", trên trang Công an nhân dân đã có bài lí giải về cơ chế gây tội ác của những kẻ nghiện cái chết trắng. Theo đó, ma túy tổng hợp dạng "đá" xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2006, được giới trẻ truyền tai nhau như một loại chất kích thích tạo cảm giác sảng khoái, mới mẻ nhưng lại không bị nghiện hoặc nếu "thèm" cũng không phải vật vã đau đớn như nghiện heroin. Nhưng thực tế cho thấy ma túy "đá" đã tạo ra những kẻ giết người man rợ, "yêu râu xanh" cuồng dâm, những kẻ thích thú trò chơi hành xác.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội, 72% người sử dụng ma túy tổng hợp là giới trẻ ở độ tuổi 18-30, độ tuổi trên 30 chiếm 26%, riêng độ tuổi dưới 18 ở mức 2% nhưng có xu hướng gia tăng.
Một thanh niên "ngáo đá" dọa tự sát.
Người nghiện "đá" có thể có các biểu hiện suy kiệt, mắc bệnh kết hợp, lú lẫn, hoang tưởng, cáu gắt, trầm cảm và loạn thần. Họ không cần ngủ, không cần ăn, không có một niềm vui gì ngoài ma túy "đá".
Gương mặt hầu như không còn biết thể hiện cảm xúc, không nói hoặc nói nhiều không dừng lại được. Ma túy "đá" cũng khó từ bỏ như các loại chất gây nghiện khác như heroin, cần sa, hay cả rượu…
Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương chia sẻ trên trang An ninh thủ đô thì hiện chưa có thuốc đặc trị cho nghiện ma túy "đá" nên quá trình điều trị đang gặp rất nhiều khó khăn.
Việc điều trị cắt cơn chỉ có tính chất bước đầu, khởi điểm chứ không mang đến hiệu quả mong muốn, bởi sau cắt cơn người bệnh dễ dàng tái nghiện do vẫn còn cảm giác thèm, nhớ thuốc.
Biện pháp điều trị chủ yếu vẫn là các liệu pháp tâm lý, tham vấn, tư vấn, giảm thiểu tác hại nhưng để các biện pháp này có hiệu quả thì cần phải có môi trường điều trị thân thiện, coi người bệnh thực sự là bệnh nhân, không kỳ thị, và đặc biệt đòi hỏi sự quyết tâm cao của người bệnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét