Gần như đã được lập trình sẵn, ngay sau thất bại, VFF tuyên bố sẽ nhờ cơ quan chức năng điều tra có hay không có tiêu cực? Họ nhanh nhẩu đẩy trách nhiệm cho các cầu thủ, trong khi đã có ai ở VFF dám đứng ra nhận trách nhiệm về mình?
Giậu đổ bìm leo
2 năm trước, khi đội tuyển Việt Nam thất bại tủi hổ ở vòng bảng AFF Cup 2012, VFF khi đó cũng lập tức tuyên bố sẽ lập ra bảng “danh sách đen” về những gương mặt mà họ cho là không hết mình vì đội tuyển.
Bảng dánh sách đó rốt cuộc không được công bố, thậm chí 2 năm sau cái ngày ấy, người hâm mộ còn nghi ngờ rằng bảng danh sách vừa nêu có thật hay không? Hay chỉ là cách để tổ chức đang điều hành bóng đá nội lái mũi dùi về hướng khác, sau thất bại của đội tuyển quốc gia, giữa áp lực khủng khiếp từ phía dư luận.
Báo chí khi đó cũng lên tiếng là nếu đã có trong đầu “danh sách đen”, nếu đã nghi ngờ nhau thì cứ nói thẳng, đằng này VFF hồi đấy cứ úp úp mở mở, thậm chí còn ngầm truyền tai người trong giới rằng cứ hễ cầu thủ nào không có tên trong đợt tập trung đội tuyển ở những lần tiếp theo tức là những người có tên trong bảng danh sách trời ơi trên.
Dĩ nhiên, cách làm ấy vị “ném đá” tơi bời, vì không thể đánh đồng cầu thủ đang gặp chấn thương, đang xuống phong độ vào nhóm “danh sách đen”, không thể tạo ra tâm lý nghi ngờ nhau cho cả làng cầu.
Ai chịu trách nhiệm cho thất bại của đội tuyển Việt Nam?Điều buồn nhất với đội tuyển Việt Nam ở chỗ, ngay khi đội thất bại, VFF lập tức... phủi tay (ảnh: Gia Hưng)
Bây giờ, ngay sau thất bại của đội tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2014, VFF lại có động thái tương tự. Quy trách nhiệm cho một nhóm cầu thủ có vấn đề, theo cách nói của cơ quan điều hành bóng đá nội - thì dễ, tạo ra sự công bằng trong việc nhận trách nhiệm cho thất bại mới là khó.
VFF có công bằng hay không khi gần như phủi tay trách nhiệm của mình, họ đã nhìn lại rằng họ đã chuẩn bị những gì tốt nhất cho HLV Miura và các học trò hay chưa? VFF nói cầu thủ thiếu tích cực thì dễ, nhưng họ cũng đã công bằng ở chỗ họ có thực sự tích cự với đội tuyển quốc gia, trong hành trình hướng đến AFF Cup năm nay hay không?
Chẳng lẽ khi vui mới… vỗ tay vào
Đã xét đến thành công hay thất bại, là phải xét đến cả một quá trình. Và trong suốt quá trình ấy, cơ quan đang điều hành bóng đá nội đã làm những gì cho đội bóng của HLV Miura?
Muốn tạo ra một đội tuyển tốt, đầu tiên phải có những con người tốt. Vấn đề này có lẽ chẳng cần nói nhiều khi nhìn vào sự xuống cấp của V-League do VFF quản lý. Muốn đội tuyển có sự chuẩn bị chu đáo, ắt phải có những trận giao hữu có chất lượng.
Về vấn đề này, chẳng phải chính HLV Miura đã vài lần than phiền rằng chúng ta có quá nhiều trận đấu với những đối thủ không xứng tầm hay sao?
Rồi cũng chẳng phải ngay trong quá trình chuẩn bị cho đội tuyển dự AFF Cup 2014, lãnh đạo VFF từng ví von đầy ác ý rằng với bóng đá Việt Nam, chỉ có lứa U19 của bầu Đức là con ngoan, trò giỏi, đáng học Harvard, trong khi những đứa con khác, bao gồm cả đội tuyển quốc gia chỉ đáng học… trường làng.
Ngay trong quá trình giải diễn ra, người ta cũng đã thấy thế nào là cách mà VFF đối xử với con cưng và thế nào là cách đối xử với phần còn lại: Nếu như đội tuyển U19 được di chuyển bằng chuyên cơ, thì đội tuyển quốc gia lại bay lòng vòng nhiều chặng từ Hà Nội (quá cảnh ở TPHCM) sang Kuala Lumpur và ngược lại rất mức sức, với lý do hết sức nghiệp dư được VFF giải thích là không đặt kịp chỗ.
Người hâm mộ cũng đã thấy hình ảnh trước khi có thành công ở vòng bảng, đội tuyển Việt Nam không mấy được quan tâm, nhưng đến lúc đá tưng bừng từ trận thắng Philippines cho đến trận bán kết lượt đi, đội lại có quá nhiều tiền thưởng, cứ như thể người lớn cưng đội tuyển của HLV Miura lắm vậy!
Sau mỗi thất bại, cách dễ nhất để quy trách nhiệm là đổ hết lên đầu HLV, như VFF từng làm với Falko Goetz và Phan Thanh Hùng. Nếu HLV đang được lòng dư luận như ông Miura, thì chọn cách chĩa mũi dùi sang hướng khác, như chuyện nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra, như thể lại sắp có đại án trong bóng đá nội vậy!
Có vấn đề hay không thì chưa biết (khi nào cơ quan chức năng trả lời mới biết), nhưng đừng quên bóng đá Việt Nam, đội tuyển Việt Nam là sản phẩm của ai? Rồi con hư thì tại ai? Chứ không lẽ cứu điều hành nền bóng đá theo kiểu khi vui thì vỗ tay vào, đến lúc phật ý thì lại quên mất vai trò, vị trí và trọng trách của mình với đội tuyển quốc gia?!Nguồn http://dantri.com.vn/the-thao/ai-chiu-trach-nhiem-cho-that-bai-cua-doi-tuyen-viet-nam-1007501.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét