Vì sao trẻ dễ mắc bệnh hen suyễn trong mùa lạnh?
Ths.Bs Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng cho biết, trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với những biến đổi thời tiết, nhất là lúc giao mùa. Thời tiết thay đổi đột ngột chính là yếu tố “thuận lợi” làm cho các tác nhân gây bệnh tấn công và gây bệnh cho trẻ. Do vậy, cha mẹ cần chú ý để có biện pháp bảo vệ trẻ một cách hiệu quả nhất.
Ths.Bs Đinh Thạc cho biết, mùa lạnh số bệnh nhi đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước được cảnh báo “bệnh trẻ em đã vào mùa”, số liệu báo cáo hàng năm của ngành Y tế, số bệnh nhi đến khám vì bệnh hô hấp tăng khoảng 30% - 40% và số trẻ bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa thường tăng khoảng 20% - 25% so với ngày thường.
Thời tiết thay đổi trẻ dễ nhiễm bệnh. Ảnh minh họa.
Dưới đây là những lí do khiến trẻ dễ mắc bệnh vào mùa lạnh:
- Thời tiết lạnh khiến độ ẩm trong không khí rất thấp và nhiệt độ môi trường không cao, đặc trưng khí hậu lạnh ẩm khiến cho các loại vi khuẩn, vi rút thường trú trong cơ thể bùng phát, nhất là những tác nhân gây bệnh ở đường hô hấp tấn công và gây bệnh cho trẻ.
- Trẻ em là nhóm đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh vì sức đề kháng rất kém do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên khả năng chống chọi với bệnh tật của trẻ thật sự “chưa hiệu quả”. Hơn nữa, trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao trong khi trẻ chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh.
- Việc chăm sóc nhằm giúp trẻ phòng bệnh khi thời khắc chuyển mùa như giữ ấm trẻ vào những ngày lạnh giá, cho trẻ ăn những thức ăn phù hợp giúp giữ ấm cơ thể, tạo môi trường sống trong lành – sạch sẽ, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ chưa được các bậc phụ huynh chú trọng, cũng góp phần làm trẻ dễ bị nhiễm bệnh.
Những bệnh trẻ dễ mắc hen suyễn trong mùa lạnh
Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ em vẫn là bệnh phổ biến nhất. Ths.Bs Đinh Thạc cho biết, nhóm bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ em vào mùa lạnh cũng là nhóm bệnh về đường hô hấp, bao gồm những bệnh sau đây:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: Chiếm tỷ lệ cao nhất với các bệnh phổ biến như bệnh cúm ở trẻ em, viêm mũi xuất tiết, viêm họng cấp, viêm VA, viêm A mi đan cấp hoặc hốc mủ, viêm xoang...những bệnh này tuy đơn giản và dễ phát hiện, nếu không được chăm sóc thích hợp cũng có thể gây bất lợi cho sức khỏe của trẻ như gây thở khó, hạn chế việc ăn uống hoặc bú mẹ, đôi khi có thể làm nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm đến tính mạng.
- Hen suyễn: Với trẻ đã có tiền căn mắc bệnh hen phế quản (thường gọi là suyễn), vào mùa lạnh bệnh càng dễ tái phát và càng trở nên nghiêm trọng, nhiều trường hợp trẻ bị suyễn phải đi cấp cứu khiến cha mẹ rất lo lắng.
Bởi vì trẻ bị bệnh hen phế quản/suyễn, thời tiết chuyển lạnh vừa là nguyên nhân trực tiếp vừa là nguyên nhân gián tiếp khiến trẻ dễ lên cơn co thắt phế quản gây khó thở dữ dội, thiếu ôxy trầm trọng.- Bệnh mãn tính: Những trẻ đã có sẵn các bệnh mạn tính như viêm phế quản mạn, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, trẻ bị suy dinh dưỡng mạn tính, trẻ bị mắc các bệnh lý tim mạch bẩm sinh... thường bị mắc bệnh nặng hơn và dễ bị những biến chứng nặng nề hơn so với những trẻ bình thường khác. Những trẻ này phụ huynh cần tích cực chăm sóc và chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng nhiễm bệnh của trẻ.
- Tiêu chảy: Thời tiết với khí hậu lạnh ẩm, trẻ cũng rất dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất là bệnh tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy cấp có thể do vi khuẩn, do vi nấm, do ký sinh trùng hoặc do nhóm vi rút đường ruột, đặc biệt là vi rút Rôta. Bệnh tiêu chảy do vi rút Rôta chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại tiêu chảy mùa lạnh ở trẻ em. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
- Bệnh chàm: Ngoài ra, vào mùa lạnh với khí hậu lạnh ẩm và khô làm một số bệnh về da của trẻ cũng dễ xuất hiện, tái phát nhiều lần như bệnh chàm (còn gọi là Eczema), nổi mày đay...đây là những căn bệnh gây rất nhiều “phiền toái” cho trẻ như gây ngứa ngáy, trẻ khó chịu hay quấy khóc và gãi chỗ ngứa rất nhiều làm chảy máu, rất dễ bị nhiễm trùng da.
Khi nào đưa trẻ đi khám bệnh?
Ths.Bs Đinh Thạc cho biết, hầu hết trẻ mắc các bệnh lý thông thường mùa lạnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình có thể theo dõi và chăm sóc tại nhà. Những tình huống sau đây cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 2 ngày mà vẫn không giảm; trẻ lừ đừ, ngủ li bì hoặc khó đánh thức trẻ; trẻ bú kém, trẻ bỏ bú hoặc bỏ ăn.
- Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, sau 2 ngày chăm sóc tích cực tại nhà vẫn không thuyên giảm kèm theo dấu hiệu thở nhanh, thở mệt hoặc khó thở.
- Trẻ bị tiêu chảy đột ngột sốt rất cao 39 – 40 độ C, tiêu phân đàm nhớt hoặc phân có lẫn máu.
- Trẻ sốt kèm các biểu hiện như nôn tất cả mọi thứ, than đau bụng nhiều; trẻ có dấu hiệu xuất huyết như nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu lợi, ói ra máu, đi tiêu phân đen như bã cà phê hoặc những trẻ có biểu hiện lừ đừ, tím tái, tay chân nhớp lạnh,trẻ bị co giật; trẻ nhỏ có thóp trước (mỏ ác) phồng lên; trẻ có dấu hiệu cổ cứng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét