Được cắt bỏ u tuyến giáp cách nay gần 2 tháng, ông L.M.Đ (64 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) vẫn chưa hết lo lắng: “Tôi nói chưa rõ và hơi khó khăn khi phát âm”, ông Đ. nói. Cách nay khoảng 1 năm, ông Đ. có biểu hiện thường xuyên ho khan, đau họng, khò khè.
Bệnh về tuyến giáp nói chung, phình giáp hạt nói riêng là bệnh lý rất thường gặp. Chỉ xét riêng trong lĩnh vực phẫu thuật đầu - cổ tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, số ca mổ loại bệnh lý này chiếm trên 50%. Trong năm 2014, Bệnh viện Ung bướu TPHCM phát hiện hơn 2.000 bệnh nhân có triệu chứng ung thư tuyến giáp. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trẻ tuổi, nên bên cạnh việc phẫu trị triệt để, vấn đề thẩm mỹ cũng cần được chú trọng.
Tưởng hen suyễn hóa tuyến giáp
“Tôi đi khám nhiều lần cứ tưởng bệnh hen suyễn nhưng uống thuốc mãi không hết”, ông Đ. cho biết. Tìm hiểu thông tin từ nhiều bác sĩ, cuối cùng ông Đ. làm xét nghiệm, tầm soát và được chẩn đoán bệnh về tuyến giáp, có triệu chứng ung thư giai đoạn đầu. “Khi nghe ung thư tôi rụng rời chân tay nhưng bác sĩ trấn an có thể điều trị được”, ông Đ. phấn khởi nói. Theo bác sĩ điều trị, ông Đ. bị ung thư tuyến giáp nhưng nhờ phát hiện kịp thời khi khối u còn nhỏ nên phương pháp điều trị là phẫu thuật cắt bỏ nên không cần phải xạ trị, cũng như chưa có dấu hiệu di căn...
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nếu bị ung thư tuyến giáp.
Theo TS Bùi Xuân Trường, Khoa ngoại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, những trường hợp bệnh về tuyến giáp được phát hiện gia tăng trong thời gian qua. Chỉ riêng trong năm 2014, phát hiện mới hơn 2.000 trường hợp. Tuy nhiên, theo TS Trường, đây là căn bệnh có tiến triển âm thầm nên bệnh nhân thường chủ quan hoặc các cơ sở y tế tuyến dưới khó phát hiện, thậm chí nhầm lẫn với các bệnh thường gặp khác. “Thường bệnh nhân mắc bệnh kéo dài nhưng không nghĩ bị ung thư cho đến khi đi khám, xét nghiệm nên nhiều trường hợp khi phát hiện đã muộn”, TS Trường cho biết.
Theo TS Trần Thanh Phương, Khoa ngoại 3 Bệnh viện Ung bướu TPHCM, ung thư tuyến giáp là loại ung thư diễn tiến rất chậm, nên tiên lượng điều trị thường rất tốt. Ở giai đoạn sớm (đường kính khối u dưới 1cm), hầu như bệnh nhân không có triệu chứng gì. Khi sờ vào cổ, bệnh nhân cũng không thấy khối u, bệnh thường được phát hiện tình cờ qua siêu âm, khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên khi đó mới chỉ phát hiện thấy có hạt giáp chứ chưa thể biết lành hay ác. Ở giai đoạn trễ hơn, khi hạt giáp to ra sẽ nhìn thấy được hoặc sờ thấy có một cục (hạt giáp) ở trước cổ. Nếu trễ hơn nữa, khi cổ bắt đầu nổi hạch hay khàn tiếng thì bệnh đã chuyển qua giai đoạn ung thư di căn.
Điều trị hiệu quả
Theo Hội Ung thư Việt Nam, ung thư tuyến giáp đa số xảy ra ở phụ nữ (cứ năm bệnh nhân mắc bệnh có bốn người là nữ). Bệnh được chia thành hai loại chính: loại biệt hóa tốt (chiếm đa số), loại biệt hóa xấu. Với loại biệt hóa tốt, tế bào ung thư rất “hiền” và bệnh diễn tiến chậm. Nếu điều trị đúng và kịp thời bệnh sẽ không tái phát. Với loại biệt hóa xấu, tiên lượng bệnh thường rất xấu do khó điều trị tận gốc. Triệu chứng thường gặp ở giai đoạn muộn của bệnh ung thư tuyến giáp là xuất hiện khối u vùng cổ, khó nuốt, cảm giác đau vùng trước cổ có thể lan đến tai. Theo bác sĩ Trần Minh Bảo Luân, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, ung thư tuyến giáp có thể gặp mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là 60 - 70 tuổi đối với nam và 40- 50 tuổi đối với nữ. Trong đó nữ giới mắc nhiều hơn nam.
Các chuyên gia y tế cho biết, ung thư tuyến giáp diễn ra âm thầm và qua siêu âm vùng cổ mới thấy một hột nhỏ khoảng vài milimét trong tuyến giáp, rồi dùng kim thật nhỏ chích hút tế bào để biết được lành tính hay ác tính. Để chẩn đoán ung thư tuyến giáp, hiện nhiều bệnh viện có máy siêu âm hiện đại, độ phân giải cao giúp bác sĩ có thể nhìn được hạt giáp đó lành hay ác tính. Song để chẩn đoán chính xác bác sĩ phải dùng kim nhỏ chọc hút (FNA) để lấy tế bào trong hạt giáp làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có thể xác định là ung thư hoặc không, nếu ung thư còn định danh được là loại ung thư tuyến giáp gì. Các loại ung thư tuyến giáp dạng nhú thường gặp nhất, chiếm đến 80% ung thư dạng nang chiếm khoảng 15%; ung thư biệt hóa (2 dạng gộp lại) khoảng 90% - 95%. Các chuyên gia y tế cũng nhìn nhận có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư tuyến giáp như ăn uống thiếu iốt, nhiễm chất phóng xạ, viêm giáp…
Theo TS Bùi Xuân Trường, phẫu thuật là cách điều trị tốt nhất đối với ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, bác sĩ khi mổ cần lưu ý bảo vệ thần kinh nói và các tuyến cận giáp, cũng như lấy các hạch ở bên cổ để thử ung thư có xâm nhiễm không. Đường mổ cổ thấp theo nếp da để sẹo tốt. Nếu cắt mất hoặc gây hư hại các tuyến cận giáp sẽ gây chứng hạ canxi máu. Cắt dây thần kinh nói làm liệt dây thanh âm, giọng khàn, giọng nhỏ đi hoặc khó thở.
Mặc dù còn có những trường phái, những quan niệm khác nhau về vai trò của phẫu thuật nội soi trong điều trị bệnh lý bướu tuyến giáp, nhưng trong thực tế lâm sàng, phẫu thuật nội soi tuyến giáp đã có những bước tiến, những ưu thế đáng kể và được áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc và nhiều quốc gia khác. Từ cuối năm 2012, tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã triển khai phẫu thuật nội soi tuyến giáp, bước đầu là phẫu thuật nội soi cắt thùy và cắt giáp gần trọn với tiếp cận đường nách cùng bên và quầng vú trong điều trị phình giáp hạt. Tuy không phải đơn vị đầu tiên triển khai kỹ thuật trên, nhưng bước đi của phẫu thuật nội soi tuyến giáp là xu thế của y học tiên tiến. Bệnh nhân được đánh giá rất kỹ và chuẩn xác về phương diện ung bướu học nên tỷ lệ phải can thiệp lại do bất cập chẩn đoán rất thấp. Qua phẫu thuật cắt thùy hoặc cắt giáp gần trọn, mô bệnh lý được lấy bỏ đúng mức, các cấu trúc lành, đặc biệt là thần kinh quặt ngược và các tuyến cận giáp được bảo tồn, kết quả chức năng và thẩm mỹ sau mổ rất tốt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét