Từ khi thay đổi công việc, Minh (26 tuổi, quê Nam Định) chuyển sang lựa chọn dịch vụ giặt đồ công cộng. Cậu cho biết vì muốn được nghỉ ngơi trọn ngày thứ 7.
Do tính chất công việc phải đi sớm, về muộn, lại hay thể thao nên hôm nào Minh ăn tối, tắm rửa xong cũng 9, 10h đêm. Lúc đó cậu chỉ muốn nghe nhạc, chát chít hay làm vài ván game rồi đi ngủ, không muốn động tay vào việc gì.
"Sáng thứ 7 ngủ chán chê, lúc dậy tôi gom quần áo lại mang ra hàng, cỡ khoảng 5 cái quần bò, 5 cái sơ mi, 2 áo khoác gì đó, chỉ mất 20 nghìn. Nếu muốn giặt riêng áo màu trả thêm 10 nghìn, muốn vắt khô cũng thêm 10 nghìn nữa, nhanh gọn, không tốn công sức. Vài tiếng sau ra lấy về đem phơi lại rồi nhét tủ, cảm giác lại có một tủ quần áo thơm tho như mới. Cả tuần cứ thế mà lấy ra mặc thôi", Minh cho biết.
Minh vốn là người ưa chải chuốt, quần áo ngày nào mặc ngày đó nhưng tất cả đều dồn lại vài ngày mới giặt một lần. Từ lúc chuyển đổi công việc, áp lực nhiều, thời gian ít, cậu tự nhiên nảy sinh nhu cầu này. "Mỗi lần giặt đồ tôi mất cả buổi sáng, lôi ra kì kì, cọ cọ từng chút một. Giặt xong người mệt lử. Hôm nào nhờ được bạn gái giặt thì cũng bị cô ấy ca thán inh tai, trách móc nào là luộm thuộm, ăn ở bẩn, nào là sau này lấy về không được nhờ... Từ lúc lựa chọn dịch vụ giặt đồ, tôi thấy đời sao mà sướng, ngày thứ 7 không còn đáng sợ như trước", Minh tâm sự.
Chàng trai quê Nam Định chia sẻ thêm, nếu chỉ giặt ướt ngoài tiệm thì khá rẻ, đỡ tốn điện, nước, xà phòng, mỗi tháng cậu chỉ mất cỡ 100 nghìn tiền thuê giặt. Quan trọng nhất có thời gian nghỉ ngơi, lại chẳng bao giờ phải lo thiếu quần áo mặc. Tuy nhiên, để có thể đủ quần áo mặc cả tuần, cậu vừa phải đầu tư mua cùng lúc mấy bộ.
Cuối tuần nào, Minh cũng gom quần áo hết quần áo bẩn "nhờ" tiệm giặt. Ảnh: Phan Dương.
Mỗi tháng, Thắng (23 tuổi, sales cho một công ty máy tính) chi khoảng 300 nghìn cho việc thuê giặt đồ. Cậu nói, tất cả các đồ (chỉ trừ khăn mặt) đều mang ra quán hết. "Con gấu bông bạn gái tặng để lâu ngày bị hôi, tôi cho đi giặt, đôi giày đi lâu có mùi cũng đi giặt, đến đôi tất tôi cũng mang đi. Hôm vừa rồi cất quần áo mùa đông tôi cũng gom đi một lượt", Thắng nói.
Cũng như Minh, một tuần Thắng mang đồ đi giặt một lần, mỗi lần vài chục cái quần áo. "Giặt đồ bình thường giá rẻ thôi nhưng nếu chọn dịch vụ giặt khô, giặt áo da thì đắt lắm. Nhưng biết sao được, áo vest mà giặt tay thì xem như vứt đi, mất hết cả form", Thắng chắc nịch.
Theo Thắng quan sát, trong xóm trọ của cậu có khá nhiều người đi làm chọn dịch vụ giặt thuê. "Vì không có thời gian giặt nên cứ thế chất ngày qua ngày. Đến lúc giặt nhiều đồ thế thì ngại nên tôi mang đi giặt giải phóng sức lao động cho mình", Thắng bày tỏ.
Xóm trọ đông, thiếu ánh sáng, chẳng có không gian phơi, lại hay mất trộm... đó là những lý do mà anh Đạt (32 tuổi) nhiều năm nay lựa chọn dịch vụ giặt đồ công cộng.
Làm nghề kinh doanh tự do, lại đang lúc kinh tế suy thoái, anh Đạt có khá nhiều thời gian rảnh, song anh không hề muốn động tay làm việc nhà. "Nói thật, giờ bảo tôi giặt cái sơ mi thôi cũng khó như bắc thang lên trời. Lúc trước bạn gái tôi tiếc tiền bảo để cô ấy giặt nhưng được một lần trời mưa mang đồ đi giặt ngoài tiệm, giờ cô ấy cũng nghiện như tôi. Đúng là thời nay, mỳ ăn liền hết mọi thứ, có bao giờ phải lo đi hong quần áo như thời sinh viên hay ở quê nữa đâu", anh Đạt nói.
Người đàn ông này cho biết thêm, hầu hết bạn bè đều mang đồ cho tiệm giặt như anh. "Lão Hải bạn tôi, nhà có máy giặt hẳn hoi mà có chịu giặt đâu. Hắn thích cái chuyên nghiệp ở các cửa hàng giặt thuê hơn vì mỗi bộ đồ của hắn đến cả triệu một cái".
Tuy nhiên, đi giặt ngoài tiệm cũng có không ít mặt trái. Anh Đạt chia sẻ, đồ mang ra ngoài tiệm sử dụng hóa chất nên quần áo rất dễ mục, rách. Có lần anh chỉ giơ tay lên mà chiếc áo sơ mi bục hết đoạn bả vai. Tuổi đời của những chiếc áo sơ mi của anh cũng khá ngắn, chỉ được vài tháng là có vết sờn, bục ở đoạn cổ. Áo phông cũng dễ bạc màu.
"Vậy nên kinh nghiệm của tôi là ít thay quần áo, hạn chế đi giặt. Dù đồ xịn hay hàng chợ thì vào máy giặt công nghiệp, hóa chất rồi cũng nhanh xuống cấp thôi", người đàn ông 32 tuổi nhận định.
Khi chọn dịch vụ giặt đồ thuê đồng nghĩa với việc đồ to, đồ nhỏ Thắng đều không để ướt và gom tất vào túi, buộc kín. Bởi vì, nhiều lần trước đó để ở chậu ngày qua ngày, không ít quần áo của Thắng trở thành tổ của chuột. "Mang đồ đi giặt mà thấy thương người ta, quần áo ướt nhèm, đặc mùi phân chuột. Mà sao quần áo bẩn rất dễ bị chuột cắn nhé", Thắng chia sẻ.
Cũng như vậy, chàng trai tên Bảo (28 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) "dị ứng" với cái mùi hắc của quần áo giặt tiệm, nên mỗi lần mang ngoài hàng về, anh đều phải phơi vài ngày cho bay hết mùi mới dám mặc. Tự nhận mình lười, song Bảo cho biết anh vẫn cố gắng giặt đồ lót, đồ mặc nhà bởi anh thấy an tâm khi tự mình giặt loại đồ này.
Chị Ngân - chủ một cửa tiệm giặt là công cộng ở Mễ Trì (Từ Liêm) cho biết khách hàng nhiều nhất, khách hàng quen của cửa hàng vẫn là những chàng trai đã đi làm còn độc thân, sau đó mới là các đối tượng khác như gia đình hay sinh viên hoặc các khách hàng nhỏ lẻ có đồ không thể giặt bằng tay, bằng máy.
Dù chỉ là một cửa tiệm nhỏ nhưng mỗi ngày, nhà chị đều nhận được khoảng 100 hóa đơn của khách, với khoảng 200 đến 300 kg chăn màn, quần áo. Những ngày cuối tuần, lượng đồ nhận được thường cao hơn. "Nhà tôi là cửa hàng đầu tiên trong ngõ này. Thế mà chỉ một thời gian ngắn, hiện ngõ có đến 5 tiệm giặt công cộng, đủ thấy nhu cầu ngày càng lớn", chị Ngân cho biết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét