Ngay những ngày nắng nóng đầu tiên, người dân ở nhiều khu vực ở Hà Nội đã phản ánh bị cắt điện không được thông báo trước. Một số nơi điện áp tụt xuống quá thấp khiến các thiết bị không hoạt động được, có phản ánh thì nhà điện nói gắng chịu qua mùa nóng.
Nhiều khu vực bị cắt điện để sửa chữa đường dây. Ảnh: A.T.
Chị Phan Thu (nhà quận Tây Hồ) phản ánh mấy ngày gần đây trời nóng, điện rất phập phù, dùng qua ổn áp mà có lúc điện áp sụt xuống 170-190 V khiến điều hòa đang chạy bị tắt. Bà mẹ chồng ca cẩm vì nấu nồi điện là cơm không chín, buộc phải sử dụng bếp ga.
Các hộ gia đình tại Khu đô thị mới Mỹ Đình cũng khổ sở vì điện rất chập chờn, lúc có lúc không. Tại một số khu vực tại các quận ven đô như Hoàng Mai, Long Biên, lịch cắt điện không có nhưng vẫn mất như cơm bữa.
Theo giải thích của ngành điện, trong những ngày này khách hàng sử dụng nhiều máy điều hòa và các thiết bị tiêu tốn điện năng khác khiến chất lượng điện nhiều nơi không đảm bảo, automat ở một số trạm điện ngắt liên tục do quá tải.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Duy Hùng, Trưởng phòng điều độ Công ty điện lực Hà Nội cho hay, trong thời gian này thành phố chưa thực hiện bất kỳ lịch cắt điện nào do thiếu điện, còn chuyện cắt bất thường do sự cố hay sửa chữa đường dây vẫn xảy ra.
Đề cập đến chất lượng điện chưa đảm bảo, ông Hùng nói: Điện lực Hà Nội không bán điện trực tiếp đến tất cả các hộ dân trong toàn thành phố mà ở một số vùng phải bán qua đại lý, lưới điện do đại lý quản lý, ngành điện không chịu trách nhiệm.
Theo mẫu hợp đồng bán điện do Bộ Công nghiệp ban hành, ngành điện phải đảm bảo chất lượng điện bán tới tay người dân. Cụ thể, điện áp trong điều kiện bình thường là 220V và được phép dao động trong khoảng 5%; trong điều kiện lưới điện chưa ổn định sau sự cố có thể chênh lên 5% hoặc lùi 10%. Bản hợp đồng đưa ra rất nhiều nghĩa vụ với bên mua điện, nhưng trường hợp bên bán điện cung cấp hàng không đảm bảo chất lượng thì hoàn toàn không có dòng nào đề cập đến chuyện bồi thường.
"Đọc đi đọc lại chỉ có quy định nếu ngành điện gây sự cố chủ quan trên lưới điện trực tiếp dẫn đến làm hư hỏng đường dây và thiết bị của bên mua điện, họ mới phải bồi thường", anh Quang, chủ một cửa hàng cắt tóc trên đường Láng nhận xét. Nhiều hôm anh lâm cảnh mếu dở khóc dở khi khách đang hấp tóc mà mất điện.
Khả năng thiếu điện lộ rõ
Ông Đặng Huy Cường, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia cho hay, ngày cao điểm nắng nóng hôm qua toàn hệ thống tiêu thụ khoảng 185 triệu kWh. Một số nơi bị cắt điện do 4-5 nhà máy đồng loạt gặp sự cố.
Ông Cường khẳng định cho tới giờ phút này chưa có dấu hiệu của thiếu điện. Tuy nhiên theo nhận định của Bộ Công nghiệp, với nhu cầu sử dụng ở miền Bắc có thể tăng tới 30% trong tháng này, cộng thêm những sự cố gần đây của các nguồn phát và nguồn cung cấp nhiên liệu, thì khả năng thiếu điện đã bắt đầu lộ rõ.
Một trong những yếu tố khiến EVN lo ngại là độ tin cậy của các tổ máy nhiệt điện, tua bin khí hỗn hợp và nhiệt điện dầu. Trong tháng 3, tổ máy số 6 nhiệt điện Phả Lại gặp sự cố hơn 10 ngày mới khắc phục xong, gây thiệt hại hơn 60 triệu kWh. Trước đó xảy ra sự cố máy nén khí ở mỏ Rạng Đông làm giảm khả năng cung cấp khí cho Trung tâm điện lực Phú Mỹ. Một số nguồn phát điện như Nhiệt điện Cao Ngạn mới đi vào vận hành một số tổ máy đã gặp trục trặc, hoạt động cầm chừng; thủy điện Sê San 3 chậm tiến độ không thể phát điện được trong mùa khô này.
Theo tính toán của EVN, lượng điện thiếu hụt trong năm 2006 có thể lên đến 180 triệu KWh, trong đó riêng mùa khô là khoảng 157 triệu KWh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét