-Mỗi đêm trong giấc mơ, Nhôm thấy có một vị nữ tu sĩ già cứ cầm thòng lọng tròng vào cổ-kéo đi. (Ảnh minh họa). Di ảnh anh Nhôm lúc tự tử (Ảnh nhỏ)
-
Lời thề…“trả xác”
Từ núi Cấm, chúng tôi ngược quốc lộ 91 lần dò theo địa chỉ do anh Liên cung cấp tìm đến nhà anh Nguyễn Quốc Nam (tự Nhôm – người thanh niên tự cột tay tự tử cùng người tình), với mong muốn kiểm chứng câu chuyện của anh Liên có đúng là sự thật hay không.
Xóm nhỏ đã lên đèn. Nghe có khách đến, một bà lão lồm cồm ngồi dậy. Bà cho biết tên là Lê Thị Hoa, đã 71 tuổi – mẹ ruột của anh Nhôm. Còn chồng bà – ông Nguyễn Văn Chiến, đã qua đời gần 10 năm trước. Bà Hoa chỉ cho chúng tôi bức ảnh chân dung của một thanh niên treo ở vách nhà: “Thằng Nhôm đó. Hình đó nó chụp năm 27 tuổi, chụp xong hổng bao lâu thì nó đi tự tử”.
Bà kể, hồi Nhôm khoảng 10 tuổi, bị bệnh sốt xuất huyết, nhà nghèo nhưng cũng ráng chạy vạy khắp nơi chữa mà con trai vẫn không hết bệnh. Nghe nói một nhà dòng ở Thốt Nốt có một ma sơ già phát thuốc chữa bệnh miễn phí cho nhiều người, mà thuốc rất hay, bà đưa con tới, được nhiệt tình cứu chữa. Thấy đứa bé èo ọt, ốm yếu, vị ma sơ già nói với bà Hoa: “Thằng bé ốm yếu, bệnh hoạn nhiều quá, khó nuôi. Tôi trị hết bệnh, bà cho nó cho tôi để tôi nuôi”. “Tôi đồng ý vì nghe nói con khó nuôi, bị bệnh, mà đem cho chùa hay nhà thờ thì sẽ không bị bệnh nữa. Vị ma sơ già liền lấy giấy viết tay nhận con. Tôi cũng đồng ý vì chỉ nghĩ là lời hứa cho con khỏe mạnh mà thôi. Nhưng mà sau đó thằng Nhôm không có bệnh hoạn gì nữa”, bà Hoa kể.
Bẵng đi một thời gian, Nhôm trở thành chàng thiếu niên 17 tuổi, giỏi giang, hiếu thảo, ngoan hiền. Nhà ở gần chùa, thường ngày Nhôm đến chùa làm công quả nên sáng kệ, chiều kinh. Nhưng cũng từ đó, mỗi đêm trong giấc mơ, Nhôm thấy có một vị nữ tu sĩ già cứ cầm thòng lọng tròng vào cổ kéo đi. “Nửa đêm thằng Nhôm giật mình tỉnh giấc mồ hôi nhễ nhại, kể cho tôi nghe. Tôi chợt nhớ lời hứa trước kia, khi dò hỏi lại thì nghe nói vị ma sơ già đã qua đời. Không lẽ vì lời hứa mà bà theo “đòi” đứa con nuôi?”, mẹ anh Nhôm cho biết thêm.
Chị Nguyễn Hồng Nga – Chị gái thứ 4 của Nhôm nói, Nhôm cứ bị giấc mơ đó ám ảnh suốt mấy năm liền nên không thể nào ngon giấc được. Bởi vậy, Nhôm thường ra chùa làm công quả để đọc kinh Phật, mong muốn được bình yên. Vậy mà, giấc mơ cứ đeo bám lấy nó. Có lần nó về nhà đứng giữa bàn thờ hứa: “Cho tôi 10 năm để tôi làm tròn chữ hiếu rồi sẽ trả cái xác này cho người đã cứu tôi”.
Bức thư tuyệt mệnh và lời tiên đoán sẽ sum họp gia đình
“Từ sau khi thằng Nhôm đưa ra lời hứa như tuyên thệ sẽ “trả xác” thì nó mới có giấc ngủ yên”, chị Nga nói. Những năm sau đó, cuộc sống của anh Nhôm trở lại bình thường. Năm đó, Nhôm gặp một cô gái tên Phượng quê ở Phong Điền, TP. Cần Thơ, rồi cả 2 nảy sinh tình cảm lúc nào không hay biết. “Con Phượng thương thằng Nhôm dữ lắm. Nó nói thằng Nhôm không cưới nó sẽ tự tử chết. Con gái nhà khá giả, nhiều người dạm hỏi mà con nhỏ quyết không chịu, cứ đòi lấy thằng Nhôm. Thấy vậy, gia đình tôi cũng lặn lội xuống tận Phong Điền để hỏi cưới. Nhưng phía gia đình nhà gái làm khó dễ, đòi phải đi đủ lễ thách cưới. Trong khi nhà tôi lại nghèo, nên tôi thôi không dám trèo cao”, bà Hoa gạt lệ kể.
Theo lời anh Nguyễn Văn Lem – anh cả của Nhôm, sau đó, Nhôm tìm lên núi Cấm để làm chốn ẩn tu. Ba anh là Nguyễn Văn Chiến bệnh nặng nên Nhôm về nhà thăm. Còn phần chị Phượng, phía gia đình nhà gái mạo một bức thư, giả như Nhôm gửi, với nội dung đại loại là Nhôm không thèm cưới Phượng, với những lời lẽ chê trách nặng nề. Sau khi đọc bức thư, Phượng buồn bã bỏ xứ ra đi một thời gian. Nhưng mối tình đầu trong tim cô gái trẻ cứ thổn thức nên cô quyết quay về tìm gặp người yêu lần cuối. “Sau khi Nhôm giải thích rõ ràng không hề viết bức thư nào cho Phượng, thì Phượng đã hiểu ra mọi việc và nhất quyết đòi theo Nhôm đến tận chân trời góc biển. Thằng Nhôm nói, cái hẹn “trả xác” của 10 năm sau đã đến, bây giờ nó phải lên núi Cấm để thực hiện lời thề. Trước khi đi, Nhôm gửi lại cho dì Hai một bức thư nhưng căn dặn, khi nghe “tin” của con, dì Hai mới được đọc. Nó đi ngày 12/4/1997 âm lịch thì 3 ngày sau, hay tin nó cột tay cùng người yêu nhảy núi”, anh Lem kể rõ.
Nhận được hung tin, ông Nguyễn Văn Chiến – ba của Nhôm, lên núi Cấm nhận xác con trai, nhưng gia đình nhà gái tuyệt tình không đến nhận. Thấy đôi trẻ yêu nhau không trọn vẹn, thì thôi để họ về chung dưới suối vàng, ông Chiến quyết định xin chính quyền xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang được chôn xác Nhôm và Phượng ở khu đất nghĩa địa dưới chân núi Bà Đội Ôm. Hai chiếc quan tài được chôn chung một huyệt. “Chính tay ba tôi liệm, chôn cất hai đứa nó, nên ổng nhớ rõ đặc điểm cả hai. Bởi vậy, khi nhìn thấy cặp sinh đôi 1 trai – 1 gái là thằng Đ. và con Kh. (con của anh Liên), ba tôi nhận ra những dấu hiệu lạ thường. Và ông tin rằng 2 đứa bé đó chính là do con trai và người yêu nó “đầu thai” chuyển thế”, anh Lem nói thêm. Sau đó, dì Hai của Nhôm mới giở bức thư xem, mà nước mắt cứ tuôn…
Đúng 15 năm sau kể từ ngày Nhôm tự tử, bỗng dưng bé Đ. đòi cha (anh Liên) chở về nhà “cũ” để tìm 1 bức thư tuyệt mệnh vẫn còn được người nhà cất giữ. Bé Đ mang bức thư trở về núi Cấm, cất giữ cẩn thận như 1 báu vật. Xem qua bức thư, tuy có nhiều lỗi chính tả (do Nhôm chỉ học tới lớp 6) nhưng lời lẽ, ý tứ trong thư thì sâu sắc lắm. Phần lớn bức thư được viết theo thể thơ, mà theo gia đình thì anh Nhôm đọc nhiều kinh Phật nên sau đó cứ “xuất khẩu thành thơ”. Bức thư đề ngày 5/4/1997 (âm lịch), viết trên 4 mặt giấy carô đã sờn cũ. Xuyên suốt bức thư là những lời lẽ u buồn thảm não.
Nhôm kể về những việc chưa làm được, điều còn bận tâm và xin lỗi người thân vì sự ra đi của mình. Tuy nhiên, ở đoạn cuối thư, Nhôm viết: “… Tôi đã đa mang một nỗi sầu/ Bây giờ mượn bút viết vài câu/ Tuổi xuân tan tác thời hoa mộng/ Buồn đời thổn thức suốt canh thâu/ Canh thâu tôi thức để làm chi/ Một lòng nhất quyết phải ra đi/ Bỏ lại sau lưng bao kỷ niệm/ Đêm tàn canh vắng lệ hoen mi/ Hoen mi vì dạ cứ ưu phiền/ Tâm thần xao xác mãi tợ điên/ Chỉ có một điều tôi muốn nói/ Điểm lại bây giờ đã thập niên/ Thập niên tôi thệ ở cao sơn/ Bình sanh tủi nhục tử còn hơn/ Có ai hiểu được lòng tôi đấy/ Bây giờ độc bước thấy cô đơn/ Cô đơn không phải vì sắc hoa/ Nhìn đời quá khốn mới đi xa/ Dù sanh hay tử không màng tới/ Hẹn ngày nào đó sẽ hiệp gia/ Hẹn ngày tái ngộ không xa”.
Theo người nhà anh Nhôm, rõ ràng anh đã quyết đi tìm cái chết và biết được mình sẽ đầu thai chuyển kiếp một ngày không xa để sum họp với gia đình cũ. Và sau khi chết, Nhôm đã về báo mộng cho gia đình biết đã cùng với người yêu chuyển kiếp đầu thai thành cặp sinh đôi 1 trai – 1 gái. “Có rất nhiều chuyện trùng hợp giữa thằng Nhôm và bé Đ. nên gia đình tôi tin rằng đó chính là em tôi đầu thai. Lạ nữa là, thằng bé Đ sinh ra ở núi Cấm, lúc mới 5 tuổi mà nó dẫn đường về cho ba nó (anh Liên) về đến tận nhà gặp má tôi. 10 năm sau, cái lần nó về tìm bức thư tuyệt mệnh của thằng Nhôm thì đường sá hoàn toàn thay đổi, vậy mà nó vẫn biết đường về nhà. Không phải là thằng Nhôm đầu thai thì làm gì biết những chuyện trong nhà và làm sao bé Đ. có tình cảm quyến luyến thân thiết với anh em tôi như vậy”, anh Lem quả quyết.
Chuyện “đầu thai” rất… khó tin
Trao đổi với chúng tôi quanh câu chuyện về cái chết và đầu thai chuyển thế của anh Nhôm, 1 ni sư ở ngôi chùa mà trước kia khi còn sống Nhôm thường tới làm công quả, cho biết, nếu theo kinh Phật và giáo lý nhà Phật thì có chuyện đầu thai chuyển thế, nhân quả luân hồi. Tuy nhiên, những câu chuyện này chỉ muốn răn dạy con người sống phải biết làm điều tốt để nhận được “quả” tốt. Chuyện của Nhôm có rất nhiều sự trùng hợp với bé Đ. và được coi là có “cơ sở” nhất từ trước tới nay mà chưa ai giải thích được. Nhưng nếu không khéo, lại trở thành trò mê tín dị đoan, bị người có lòng dạ bất chính lợi dụng làm quấy.
-Nguồn http://baodatviet.vn/doi-song/cap-tinh-nhan-dau-thai-lam-anh-em-song-sinh-3057964/-
-Nguồn http://baodatviet.vn/doi-song/cap-tinh-nhan-dau-thai-lam-anh-em-song-sinh-3057964/-
0 nhận xét:
Đăng nhận xét